Nghề chăm sóc xe, detailing - Đam mê và nước mắt

Tham gia nhiều hội nhóm về chăm sóc xe đã lâu, thấy anh em đang tìm hiểu để bước chân vào nghề khá nhiều, tuy nhiên có 1 vấn đề thu hút nhiều luồng ý kiến khác nhau, đó là chuẩn bị gì khi vào nghề chăm sóc xe này?
Nên đăng ký khóa học riêng hay xin học việc dạng vừa làm vừa học? Thống kê ý kiến của anh em về vấn đề này, cộng thêm quan điểm cá nhân của mình sau nhiều năm làm nghề và tiếp xúc với nhiều anh chị em từ chủ, quản lý đến thợ, mình xin mạn phép chia sẻ một số ý như sau:
 
Đầu tiên, trả lời trực diện nhất dành cho anh em chưa từng tiếp xúc với nghề này hoặc chỉ mới tìm hiểu qua youtube, google hoặc thăm các điểm đang làm dịch vụ để rút ra kinh nghiệm, đó là: NÊN ĐĂNG KÝ HỌC KHÓA RIÊNG.
 
Có thể là hình ảnh về ô tô và văn bản
 
Chắc chắn rằng, những gì chúng ta tự tìm hiểu qua internet, qua người quen, anh em xã hội… là tổng hợp rất nhiều kiến thức rải rác, thuộc rất nhiều mảng khác nhau trong tổng thể ngành chăm sóc xe. Hầu hết là các ý hay, nhưng có thể phù hợp hoặc không phù hợp với từng cá nhân, từng địa phương nhất định và nó phụ thuộc vào quan điểm, góc nhìn của người chia sẻ, mục đích “điều hướng người xem” của các tác giả video, bài viết.
 
Như vậy, để có được kiến thức của riêng mình, cơ bản nhất, anh em phải có được nền tảng kiến thức cơ bản, là một bộ MỤC LỤC chính trong lĩnh vực chăm sóc xe, từ đó mới tiếp thu một cách có chọn lọc những kiến thức chia sẻ từ nguồn/ người khác. Và từ kiến thức thu được đó, mới quyết định chốt hạ hướng đi cho mình, hoặc mở tiệm ngay (quy mô lớn/ trung bình/ nhỏ) hoặc đi làm thợ ở một trung tâm nào đó trong khoảng một thời gian, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực chiến rồi nuôi dưỡng mục tiêu sau này ra mở riêng (ở thành phố/ thị xã/ thị trấn), hoặc đeo đuổi để trở thành một kỹ thuật viên có kỹ thuật (tay nghề) cao (xin vô hãng, trung tâm lớn).
 
Vậy, lý do tại sao cần cân nhắc việc vừa học vừa làm?
 
Chúng ta sẽ bàn về chi phí, thời gian và cuối cùng là điều quan trọng nhất - HIỆU QUẢ:
Đa số chúng ta nghĩ ngay đến chi phí, ưu điểm là sẽ không mất tiền học phí tại thời điểm đó, thậm chí có một phần thu nhập học việc. Sau đó là được làm thực tế trên nhiều xe, học hỏi được nhiều dịch vụ, cách làm khác nhau từ người đi trước. Cuối cùng, là thời gian chừng 3-12 tháng để hoàn thiện tay nghề.
 
Lật ngược lại vấn đề, học khóa chuyên nghiệp, chi phí dao động từ 12tr - 15tr một khóa (30 - 45 ngày). Nhìn vào chi phí này, đối với 1 số anh em được xem là 1 khoản khá lớn. Tuy nhiên so sánh tương quan để có được nền tảng bài bản trong một NGHỀ, giả sử so với việc học trung cấp trong thời gian dài 2-3 năm với tổng chi phí bỏ ra gần như cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần, chưa kể đến chi phí cơ hội trong khoảng 2 năm ăn học và không kiếm thêm được thu nhập, con số này tính lên cả hàng trăm triệu. Hơn nữa, nghề chăm sóc xe - detailing vốn chưa được đưa vào một ngành đào tạo trung cấp/ cao đẳng nào, thậm chí cũng chưa được là một môn học trong ngành đào tạo ô tô/ cơ khí động lực.
 
Về mặt hiệu quả, vừa học vừa làm có 2 trường phái. Trường phái thứ nhất, như các bạn sinh viên thực tập tại các xưởng hãng, trung tâm dịch vụ lớn, chỉ được tham gia một phần nhỏ vào các công đoạn dịch vụ có hàm lượng kỹ thuật không cao, thậm chí đảm trách nhiệm vụ vệ sinh, dọn dẹp và chỉ được “NHÌN” các anh em kỹ thuật làm như thế nào - hơn xem video Youtube một chút. Trường phái thứ 2, nghe danh là học việc, nhưng sẽ làm rất cực và quanh quẩn 1 số công việc nhất định, ví dụ như rửa xe từ sáng đến tối, không có nhiều cơ hội và thời gian tìm tòi, học hỏi các dịch vụ khác. Dù là trường phái nào đi nữa, cũng chỉ có thể lượm lặt khúc này một ít kiến thức, khúc kia một ít kiến thức…
 
Và với cách tiếp cận nghề như thế ngay từ đầu, chúng ta sưu tập rất nhiều kiến thức riêng lẻ, nhưng rất khó để xâu chuỗi kiến thức một cách có hệ thống. Đôi khi, sau này ra mở tiệm hoặc đi làm nơi khác, chúng ta chỉ có thể dùng đúng loại hóa chất, loại máy móc, thiết bị như lúc đi học việc. Lý do là, chúng ta không hiểu bản chất của loại sản phẩm, thiết bị vốn không phụ thuộc vào thương hiệu của nó là A, B hay C, là hàng Việt, Tàu, Đài Loan, Mỹ hay Châu Âu… Cách sử dụng/ hiệu quả đều dựa trên nguyên lý chung, phần khác biệt vốn không nhiều.
 
Đối với anh em có dự định mở tiệm, học phí lớn nhất là những sai lầm về mộng tưởng với một ngành liên quan đến ô tô - xu hướng tất yếu của tương lai, một nghề cao cấp hơn nhiều - so với mở quán cafe, quán ăn… cùng mức chi phí đầu tư. Nói thẳng luôn, chăm sóc xe không có lợi nhuận nhiều vì chủ yếu doanh thu từ công lao động, cày nhiều thì có công cao, thay vì đi làm thuê ở chỗ khác. Rồi quan trọng hơn, lượng khách thực tế vào trung tâm không như lý thuyết, kiếm được trung bình 20 xe vào rửa mỗi ngày đã là điều không đơn giản, chưa nói đến các dịch vụ có giá trị cao hơn. Nhiều anh em đi trước, với hào hứng lúc bắt đầu kinh doanh, đầu tư rất nhiều, với thiết bị máy móc hiện đại, nhưng sau vận hành, không đủ chi phí khấu hao, sửa chữa, không tận dụng hết công năng của thiết bị, không có đủ khách để làm. Có những thiết bị phải đắp chiếu hoặc sang lại với giá rẻ sau một thời gian, khoản chi phí lãng phí này, chính là học phí, và không hề rẻ chút nào.
 
Vậy, điều kế tiếp chúng ta cần làm rõ, là học ở đâu?
 
Khoảng 2 năm trở lại đây, lên facebook, các hội nhóm, xuất hiện như nấm sau mưa các quảng cáo về việc đào tạo, dạy nghề, ở đâu cũng có. Tuy nhiên, tổng kết lại, chỉ đếm trên đầu ngón tay được 1 số trung tâm CHUYÊN về đào tạo. Số còn lại, hầu hết là các trung tâm dịch vụ lấn sân thêm phần dạy nghề, để thêm chút thu nhập, có thêm nguồn lao động khi cần, và có cơ hội định hướng người học mua sản phẩm, thiết bị, hóa chất do trung tâm đó đang bán/ phân phối.
Ở phía Bắc mình không chắc chắn, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng 3 trung tâm đào tạo có đủ uy tín, đủ bài bản cũng như chuyên tâm cho mục đích đào tạo tay nghề và kiến thức kinh doanh về ngành này cho học viên.
 
Có trung tâm thuần đào tạo, có các doanh nghiệp lớn/ chuỗi đã từng hoặc đang kinh doanh dịch vụ chăm sóc xe nhưng xây dựng bộ máy/ mảng đào tạo độc lập, với đội ngũ giảng viên/ huấn luyện viên/ trợ giảng có chuyên môn (không phải vừa dạy vừa đi làm xe), có mặt bằng, phòng ốc riêng, trang bị thiết bị, máy móc, hóa chất, công cụ dụng cụ riêng cho đào tạo, không dùng chung mảng dịch vụ, có sắp xếp đa dạng các xe thực hành (xe sang, xe Đức, Nhật, Hàn, Mỹ, xe cỏ, xe sơn cứng, sơn mềm, sơn sáng, sơn tối, sơn metalic, nội thất nỉ, simili, da tự nhiên…), có giáo trình đào tạo được biên soạn theo từng loại dịch vụ, từng loại vật liệu… Trong số này, có nơi mạnh về chất lượng tay nghề đầu ra, có nơi mạnh về kỹ năng kinh doanh, Marketing.
 
Thêm 1 ý nữa, CHỨNG CHỈ: Chứng chỉ về nghề này cực chẳng đã mới cần. Các trung tâm uy tín cấp chứng chỉ dạng chứng nhận ae đã học ở đó. Giá trị của tấm chứng chỉ nó chính là uy tín của trung tâm đó trong ngành, để những nơi ae xin việc hoặc khách hàng biết rằng, bạn đã trau dồi kỹ năng một cách bài bản, ở chỗ đó. Nó không có giá trị về mặt kê khai trình độ chính quy. Và cuối cùng, chứng chỉ là đầu vào, còn giá trị của ae khi làm nghề nó nằm ở đôi tay và khối óc, trách nhiệm của ae với công việc mình làm.
 
Bài này, mình không quảng cáo hay định hướng cho ông nào cả. Vì mình không đủ hot như Đen Vâu, nên chẳng ông nào trả tiền. Cơ bản, mình thấy ngày càng nhiều anh em dấn thân vào nghề, và chia sẻ thật lòng thì ít, chia sẻ định hướng của các đơn vị bán hàng, đơn vị muốn thu hút lao động thì nhiều.
 
(Theo FB Cong Pham)

Liên hệ

MOBILE CAR CARE VIỆT NAM
  • 24 Nguyễn Thị Xinh (TA21 cũ), P. Thới An, Q12
  • 0902.799.535